Quốc gia thành viên EU ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng

Hungary, quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ cấm xuất khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước trước nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông tới. 

Chính phủ Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp về siết chặt nguồn cung năng lượng vào ngày 13.7. Ông Gergely Gulyas, phụ tá của Thủ tướng Viktor Orban, thông báo, sản xuất khí đốt và than trong nước sẽ được đẩy mạnh và dự trữ khí đốt sẽ đầy trước mùa đông.

Việc EU giảm nhập khẩu năng lượng Nga, theo ông Gulyas, khiến khối có thể không đủ khí đốt từ mùa thu trở đi. Để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt, ông đã công bố kế hoạch 7 điểm, có hiệu lực từ tháng 8.

Theo đó, Hungary sẽ tăng sản lượng khí đốt trong nước từ 1,5 lên 2 tỉ mét khối, đồng thời mua khí đốt nước ngoài đổ đầy các cơ sở lưu trữ của nước này. Hiện tại, phụ tá của Tổng thống Hungary cho hay, dự trữ khí đốt của quốc gia Châu Âu này là gần 44%.

Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu củi, đồng thời tăng cường khai thác than trong nước. Nhà máy nhiệt điện than Matra của Hungary vốn ngừng hoạt động một phần kể từ tháng 1.2021 cũng sẽ được khởi động lại trong thời gian sớm nhất.

Hungary sẽ tăng sản lượng khí đốt trong nước từ 1,5 lên 2 tỉ mét khối trong bối cảnh EU đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ảnh minh họa. Ảnh chụp màn hình

Giờ vận hành của nhà máy điện hạt nhân Paks – nơi sản xuất hơn một nửa lượng điện của cả nước – sẽ kéo dài, trong khi những khách hàng sử dụng nhiều hơn lượng điện được phân bổ sẽ không được hưởng mức giá ưu đãi.

Theo quan chức Hungary Szilard Nemeth, giới hạn giá hiện đảm bảo người Hungary trả giá điện thấp hơn 6 lần so với giá thị trường và ít hơn 8 lần với khí đốt.

Hungary gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga về khí đốt. Hungary đã phản đối lệnh cấm khí đốt của EU. Tháng trước, ông Orban nhấn mạnh, lệnh cấm như vậy “sẽ hủy hoại toàn bộ nền kinh tế Châu Âu”. Hungary cũng phản đối việc EU ngưng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay và đã được miễn trừ để tiếp tục mua năng lượng từ Nga.

Dù triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình trạng thiếu khí đốt, ông Gulyas chia sẻ với báo giới rằng Hungary sẽ phải giảm tiêu thụ năng lượng. Những thông báo tương tự cũng được đưa ra ở Đức. Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo việc phân bổ nhiên liệu sắp xảy ra trên toàn Châu Âu.

HA

Bài viết khác

Tác giả: Dau Tu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *