Tỷ giá đồng USD tăng và nỗi lo lãi suất ngày càng cao trên toàn cầu đã kéo tụt giá vàng thế giới tuần này. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước vẫn tăng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn rộng hơn…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/7) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 5,5 USD/oz, tương đương tăng 0,3%, đạt 1.814 USD/oz.Cả tuần, giá vàng giảm khoảng 0,7%.
Nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh lạm phát leo thang và nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong tuần này. Tuy nhiên, giá vàng đồng thời cũng chịu áp lực giảm giá từ đồng USD mạnh lên và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nền kinh tế phát triển.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức hơn 105,1 điểm, tăng hơn 0,4% so với phiên ngày thứ Năm. Chỉ số này đã tăng 0,9% trong tuần, tăng 2,9% trong vòng 1 tháng, và tăng hơn 9,5% kể từ đầu năm.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào trung tuần tháng 7. Thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục có thêm một đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Bất kỳ tín hiệu mới nào về sự cứng rắn của Fed cũng có thể gây bất lợi cho giá vàng. Ngược lại, nếu Fed giảm bớt sự cứng rắn, cơ hội bứt phá của giá vàng sẽ được mở ra.
Tại khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), lạm phát lập kỷ lục mới trong tháng 6, củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 7.
Tỷ giá USD tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt cũng chính là những nhân tố chính khiến vàng tụt giá trong tháng 6. Giá kim loại quý này đã giảm hơn 7% trong tháng 6, tăng 5% trong quý 2, và giảm 6,6% trong nửa đầu năm nay – theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Tuần này đã là tuần giảm thứ ba liên tiếp của giá vàng.
“Sức mạnh của đồng USD đang là yếu tố gây áp lực giảm mạnh nhất lên vàng. Bức tranh lớn hơn là lãi suất tăng”, Chủ tịch Chris Gaffney của TIAA Bank nhận định trên Reuters.
Ngoài lợi thế lãi suất, USD còn đang hưởng lợi từ nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh như một tài sản an toàn. Đều là những “vịnh tránh bão” truyền thống, nhưng USD dường như đang phát huy vai trò này tốt hơn vàng.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ – nước tiêu thụ vàng lớn thứ nhì thế giới – vừa nâng thuế nhập khẩu vàng lên 12,5% từ 7,5%, trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Việc tăng thuế này ngay lập tức sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu, cho dù quý 3 thường là thời gian mà nhu cầu vàng ở Ấn Độ tăng mạnh do có nhiều lễ hội – giới phân tích cho hay.
Giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ tuần này thấp hơn nhiều so với giá chính thức (tính bằng giá quốc tế, cộng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ).
Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng/lượng tuần này. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 17,6 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 17,1 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước.
Lúc hơn 10h trưa nay (2/7), Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,75 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 20.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,3 triệu đồng/lượng và 54,05 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 50.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,2 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Giá USD niêm yết tại ngân hàng Vietcombank sáng nay là 23.160 đồng (mua vào) và 23.440 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở cả hai đầu giá. Tuần này, giá USD tại Vietcombank tăng 50 đồng.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương khoảng 51,2 triệu đồng/lượng.
ĐV